top of page

Mang Hoa Văn Thổ Cẩm Đến Với Học Sinh Trường Quốc Tế Việt Úc (VAS)

Ethnicity đón chào tháng đầu tiên của năm 2021 bằng sự kết nối các thế hệ trẻ Việt Nam với một mối nhân duyên mang tên ‘dệt thổ cẩm’. Cụ thể là, từ ngày 05/01/2021 đến ngày 20/01/2021, Ethnicity có cơ hội tham dự tổ chức workshop về thổ cẩm, là một hoạt động ngoại khóa 3 ngày 2 đêm tại thành phố Đà Lạt của hơn 1.000 học sinh khối 8-9 của trường Quốc tế Việt Úc (Vietnam Australia International School – VAS).


Ảnh được chụp tại sự kiện


Tìm hiểu về thổ cẩm nay thật dễ dàng và thú vị


Với mục đích lan tỏa nhận thức và niềm hứng thú với nghề dệt thổ cẩm – một trong những nghề thủ công lâu đời nhất của đất nước ta, Ethnicity đã ‘cho ra đời’ những hoạt động mang đầy tính tương tác và gợi nhớ thương trong workshop cho các em học sinh như tô màu bao lì xì, bưu thiếp với họa tiết hoa văn thổ cẩm, vẽ lên túi tote, ghép ảnh chụp thổ cẩm với hình thổ cẩm số hóa tương ứng, và cùng cô nghệ nhân dệt thổ cẩm người K’Ho mang đến câu chuyện lịch sử nghề dệt cùng trải nghiệm quá trình dệt nên tấm vải thổ cẩm.


Ảnh được chụp tại sự kiện



Không dậm chân tại chỗ, không ngừng bổ sung kiến thức


Thật không quá khi cho rằng, chuyến đi này đã mở đầu một năm mới khởi sắc cho tinh thần và ý chí đã đang ngời ngời của các thành viên Ethnicity trong ‘công cuộc’ giữ gìn, bảo tồn và phát triển hoa văn thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đà Lạt, Lâm Đồng không chỉ là một địa điểm du lịch mà còn là địa bàn cư trú của đông đảo đồng bào dân tộc Mạ và K’ho. Với khung cảnh hữu tình như vậy, khí hậu trong lành như vậy, thì chuyện về đây để học thổ cẩm là khỏi phải bàn!


Từ ngày bắt đầu dự án, để liên tục bổ sung kiến thức về nghề dệt thổ cẩm và ý nghĩa của các hoa văn, chúng tôi đã luôn tìm kiếm cơ hội cho những chuyến đi thực tế, để được tiếp cận trực tiếp, trao đổi thông tin và học hỏi từ người thật việc thật, bởi làm nghiên cứu chỉ trên giấy tờ, sách vở luôn có những hạn chế nhất định. Và chúng tôi vẫn tiếp tục làm điều đó, vì chúng tôi biết rằng thông tin/câu chuyện về thổ cẩm, về hoa văn hay những câu chuyện cổ là những kho tàng mà chúng tôi phải tìm tòi, phải khai phá. Mỹ thuật số hóa là một phương thức bền vững mà chúng tôi đang phát triển để bảo tồn hoa văn thổ cẩm trong thời đại khoa học kỹ thuật 4.0. Chúng tôi làm được như vậy bởi cái tình yêu những hoa văn màu sắc, độc đáo ấy được khoe mình trên nền vải thổ cẩm mềm mại và ấm áp, chúng tôi yêu cách những Nghệ dân dệt nên tấm thổ cẩm như đang kể chuyện cho ta nghe, ta hiểu về đời sống của họ, về đất nước của mình. Mỗi lần được chạm tay vào khung dệt đơn sơ, sợi chỉ mỏng nhưng dai và chắc, hay tấm vải thổ cẩm đã được dệt, chúng tôi sướng rơn cả người và thấy càng yêu cái nét đặc trưng mang dấu ấn của lịch sử, thời đại đó hơn nữa. Cái nôn nao, mong mỏi được nhanh chóng bảo tồn thêm nhiều hoa văn của nhiều dân tộc thiểu số khác lại càng được nâng lên gấp bội. Vậy nên, hành trình ‘Đà Lạt tháng 1’ - mở đầu cho năm mới Tân Sửu 2021 là liều thuốc bổ ích cho chính đội ngũ Ethnicity.


Từ người thắp lửa, truyền lửa đến người giữ lữa - ‘Đà Lạt tháng 1’ bổ ích cho cả 3 thế hệ.

Người thắp lửa – cô nghệ dân dệt thổ cẩm người K’ho, cô Hai

Cô Hai không những có tài hoa dệt vải thổ cẩm mà còn rất kiên nhẫn, khéo léo trong việc hướng dẫn các bạn học sinh học cách dệt. Cô hiểu và đam mê với những gì mình đang làm, cũng canh cánh trong lòng sao con cháu mình không mong muốn tiếp nối nghề nghiệp lâu năm này. Nụ cười mỉm nhẹ nhàng nhưng ngọt ngào và chứa đầy vẻ tự hào của cô khi nhìn thấy các bạn trẻ hứng thú tìm hiểu về thổ cẩm là hình ảnh mà chúng tôi không thể nào quên được. Có lẽ, chính cô cũng được truyền thêm cảm hứng và khát khao giữ cho nghề còn tồn tại lâu dài, bền vững!

Ảnh được chụp tại sự kiện

Người truyền lửa - Ethnicity

Đắm mình trong không khí trong lành và mát lạnh, giữa hàng cây thông xanh bạt ngàn của núi rừng Đà Lạt, ấy vậy mà chúng tôi thấy trong người nóng bừng khi các bạn học sinh chăm chú lắng nghe từng chi tiết trong câu chuyện chúng tôi kể, nín thở khi phải luồn và kéo những sợi chỉ mỏng manh với sự lo sợ đường dệt của mình sẽ làm hỏng cả tấm vải đẹp của cô nghệ nhân, hay say mê, tỉ mỉ ứng dụng những hoa văn kỹ thuật số vào tác phẩm trang trí của mình. "Hoa văn thổ cẩm đối với nhiều bạn nhỏ chỉ là một bức ảnh tĩnh trong tiềm thức. Đến khi chúng được quan sát, chạm vào và thử sức sáng tạo với thổ cẩm, thì hoa văn mới trở nên hữu hình và sinh động hơn bao giờ hết. Ở chuyến đi này, Ethnicity chỉ là cầu nối, còn chính hoa văn mới là người kể chuyện”. Thật may mắn khi chúng tôi được chứng kiến trực tiếp phản ứng của người xem về những gì dự án đang thực hiện, đang kể, chứ không chỉ cách một màn hình, ngồi tính lượt tiếp cận, lượt xem, lượt tương tác trên các trang mạng xã hội của Ethnicity. Từ đây, Ethnicity hy vọng sẽ phát triển được nhiều nội dung thú vị và hấp dẫn hơn, đánh đúng trọng tâm vào những gì khán giả quan tâm khi nhắc đến thổ cẩm.


Ảnh được chụp tại sự kiện


Người giữ lửa – các bạn học sinh cấp 2

Các bạn học sinh với nét ngây thơ, vô tư, tùy vào cảm nhận của mỗi người mà còn có vẻ như các bạn sẽ khó hứng thú với điều gì thuộc về văn hóa, lịch sử. Ấy vậy mà, các bạn thể hiện sự chủ động và tư duy phản biện khi trả lời chính xác nhiều câu hỏi tương tác về thổ cẩm do chúng tôi đặt ra khi kể chuyện, có bạn còn đặt câu hỏi về dự án Ethnicity. Sau khi trải nghiệm dệt thổ cẩm, các bạn ấy còn tinh tế nhận ra vô vàn khó khăn mà một người dệt thổ cẩm phải đối mặt mỗi ngày như hoa mắt vì phải tập trung tách bạch từng sợi chỉ để dệt ra đúng hoa văn, mỏi lưng vì phải ngồi cong lưng quá lâu, đau chân vì phải liên tục căng, thả khung dệt để sợi chỉ được căng thẳng hàng, không bị rối, tấm vải dệt mới đẹp và chuẩn được. Các bạn thương, lo cho cô nghệ nhân sẽ mắc phải bệnh như gai cột sống. Hơn hết, các bạn hiểu được vì sao nghề dệt thổ cẩm truyền thống lại có nguy cơ mai một đi, rồi nhen nhóm đâu đó trong lòng các bạn là một ngọn lửa, nhỏ thôi, mong muốn giữ cho tình huống đáng buồn đó không xảy ra trong tương lai. Một thành viên của chúng tôi đã thốt lên trong lòng: 'Thì ra cái gọi là tác động thật sự (impact) nó như thế này nè.' Các bạn học sinh này nay đã hiểu hơn về nghề dệt, rồi các bạn ấy sẽ kể cho bạn bè, gia đình nghe, và nhiều người khác nữa. Tương lai mà chúng tôi hướng đến, nơi mà nét đẹp, giá trị văn hoá của nghề dệt và hoa văn thổ cẩm được phổ biến khắp nơi, sẽ không còn xa vời nữa.


Ảnh được chụp tại sự kiện


Để có được những hành trình này, một lần nữa, Ethnicity xin gửi lời tri ân chân thành đến chị Sương và chị Diệp An từ Hải Âu Tourist (thuộc Tập Đoàn SEACORP) vì đã mang đến cho chúng tôi cơ hội tổ chức chuỗi workshop vô cùng ý nghĩa này.


Ethnicity hứa hẹn sẽ còn có thêm nhiều chuyến đi, nhiều hoạt động nữa để tiếp tục phát triển dự án, để bảo tồn và phát triển hoa văn thổ cẩm nói riêng và nghề dệt thổ cẩm nói chung hiệu quả hơn nữa trong thời sắp tới.


-------

Ethnicity là một dự án bảo tồn di sản văn hóa - họa tiết hoa văn thổ cẩm của các Dân tộc Thiểu Số Việt Nam. Bằng hình thức mỹ thuật số hóa các họa tiết, Ethnicity tạo ra Thư Viện Số đầu tiên tại Việt Nam để bảo tồn - quáng bá - phát triển các họa tiết hoa văn thổ cẩm cũng như 53 Dân tộc anh em của chúng ta. Với mong muốn thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa các dân tộc, chúng tôi hướng đến quảng bá những hoa văn này trên các phương tiện truyền thông, triển lãm tương tác và phát triển các ứng dụng của hoa văn trong ngành công nghiệp sáng tạo hiện đại.

Thông tin dự án: 
Website: https://www.joscreative.com/ethnicity 
Facebook: https://www.facebook.com/Ethnicity.Viet 
Instagram: https://www.instagram.com/ethnicity.vietnam/


86 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page