top of page

[Phần 1] Ethnicity – Chúng Tôi Đặt Chân Đến Vùng Đất Mộc Mạc Nhất Của Dân Tộc K’Ho

Phần 1 – Vì Duyên Nên Gặp


Trong vòng 24 tiếng cuối tuần, chúng tôi – Ethnicity đã có dịp ghé thăm xã Đưng K’Nơ, vùng đất còn tồn đọng lại những gì mộc mạc nhất, nguyên thủy nhất của Dân tộc K’Ho. Chuyến đi được lên kế hoạch gấp rút chưa đầy 1 tuần và thời gian cho phép ở lại chỉ 24 tiếng (tính luôn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến đó và chặng đường về).


Cuộc Ghé Thăm Bất Đắc Dĩ

Có mặt tại Đức Trọng, Lâm Đồng vào lúc 4g30 sáng, chúng tôi vào nhà người thân của một thành viên trong nhóm để vệ sinh cá nhân và chuẩn bị khởi hành lên đường. Từ Đức Trọng đến xã Đưng K’Nớ mất 3 tiếng đồng hồ khi di chuyển bằng xe máy, chúng tôi sẽ đúng giờ nếu như bỏ qua được vẻ đẹp hút hồn của nhà thờ K’Long trên QL20 – một địa điểm không hề có trong lịch trình trước đó.


Hình ảnh được chụp trong chuyến đi của Ethnicity


Chúng tôi quyết định làm trái lịch trình vì “bệnh nghề nghiệp” khi nhìn thấy các họa tiết thổ cẩm được ứng dụng trong kiến trúc của nhà thờ K’Long. “Mình làm sản phẩm gì thì mình nhạy sản phẩm đó” nên khi chúng tôi thấy hoa văn thổ cẩm là tấp vào ngay và luôn. Từ những bậc thang dẫn vào nhà thờ, ô cửa sắt ra vào đến bộ trang phục được Đức Mẹ mang trên người đều là có các hoa văn thổ cẩm của dân tộc K’Ho.


Hình ảnh được chụp trong chuyến đi của Ethnicity

Ethnicity đến nhà thờ ngay lúc Cha đang làm lễ Chúa nhật nên chưa có cơ hội vào tham qua kiến trúc bên trong. Loanh quanh bên ngoài, xem chi tiết các hoa văn thổ cẩm trên các mảng tường, chúng tôi thầm vui và nghĩ “Ethnicity đã đi đúng hướng” [hướng nào, hướng gì thì hẹn mọi người cuối tuần này nhé]. Bầu trời trong xanh, cây cối trong lành – thiên nhiên tại đây đã đối đãi với chúng tôi quá tốt trên con đường tìm kiếm những giá trị văn hóa họa tiết hoa văn thổ cẩm của dân tộc thiểu số K’Ho.


“Các cháu tìm gì?” – giọng trầm của một người đàn ông cất lên sau lưng chúng tôi. Bác là người dân tộc K’Ho, lúc nào cũng hỗ trợ Cha trong các thánh lễ, hoạt động tại nhà thờ K’Long. Bác niềm nở đón tiếp, hỗ trợ, và là cầu nối giữa Cha Chấn và Ethnicity giúp cho công cuộc tìm kiếm thông tin, tư liệu về thổ cẩm của người K’Ho dễ dàng hơn. Chúng tôi được hướng dẫn đợi và gặp Cha trong Làng nghề dệt thổ cẩm Don Bosco K’Long đối diện nhà thờ.


Hình ảnh được chụp trong chuyến đi của Ethnicity


Có Một Thế Hệ Trẻ Đang Mang Hoài Bão Lớn

Trên đường vào trong, chúng tôi may mắn gặp được Bores và Kaka – hai cậu bé dân tộc K’Ho cực kỳ lễ phép và cũng là “hướng dẫn viên du lịch” bất đắc dĩ cho chúng tôi. Là hướng dẫn viên thay vì chỉ cần giới thiệu cho chúng tôi làng nghề dệt thổ cẩm như thế nào thì hai cậu lại đan xen thêm những câu chuyện về dân tộc mình, về hoài bão và lời hứa hẹn sẽ cố gắng để phát triển dân tộc mình tốt hơn.


Hình ảnh được chụp trong chuyến đi của Ethnicity

“Em thích sống ở đây nhưng cũng muốn lên Thành phố rồi sẽ quay lại quê hương để phát triển dân tộc mình” – Bores nói. Một thế hệ trẻ đang từng bước bắt đầu hòa nhập với xã hội, văn hóa đương đại năm 2020. Hai cậu bé lớp 5 chưa hình dung được những câu chuyện ở tương lai, chưa biết hết dân tộc của mình đang đối mặt với điều gì, việc của hai cậu chỉ là “hôm nay mình đi bắt rắn ở đâu?”, “đi nhanh lên, sắp muộn giờ học rồi”, “cuối tuần này lên Đà Lạt đá banh thôi”… ngây thơ, vô tư và trong sáng là những từ ngữ Ethnicity dành để nhớ về hai cậu bé này, về cuộc ghé thăm nơi này.


(*) Ngẫm lại, trước khi tham gia dự án Ethnicity, những cá nhân ở đây cũng đã từng là thế hệ búp măng non, từng có những hoài bão và những hoài bão phát triển theo năm tháng trong chúng tôi. Hồi nhỏ thì chúng tôi hay nói “mai mốt có tiền sẽ giúp đỡ nhiều người khó khăn hơn mình”, còn bây giờ thì “sứ mệnh của chúng tôi là mang giá trị đến với cộng đồng” và chúng tôi đang trên con đường thực hiện điều đó!  

Giờ cái gì cũng khó, cái gì cũng bị cạnh tranh

Cha Chấn bày tỏ quan ngại về làng dệt thổ cẩm truyền thống “giờ hàng Trung Quốc làm y chang mình, rẻ hơn mình vả lại sản xuất nhanh hơn, số lượng gấp mấy lần mình vì sản phẩm công nghiệp mà. Còn ai quan tâm đến thổ cẩm, đến đồ thủ công nữa đâu…”. Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng có lần được nhìn thấy các sản phẩm “tựa như” thủ công có hình dáng là những con cú, được bày bán tại các khu tập hợp du lịch ở các vùng cao mà chúng ta hay mua để về làm quà cho người thân – đó là một mặt hàng đang được bán khắp nơi và KHÔNG PHẢI THỔ CẨM CỦA DÂN TỘC THIỂU SỐ. Vì sản xuất đại trà nên mặt hàng có giá rất rẻ so với các mặt hàng khác, chưa kể đến các mặt hàng thủ công. Và các mặt hàng thổ cẩm được dệt bởi đôi bàn tay của người phụ nữ dân tộc thiểu số bị xen lẫn và đang hòa tan dần trong cuộc chiến thương mại, tệ hơn nữa là chính chúng ta đang cho phép “hòa tan” đi một di sản văn hóa của 53 dân tộc thiểu số nói riêng và của Việt Nam nói chung.


Cha Chấn đang trò chuyện cùng Ethnicity


Chúng tôi trò chuyện với Cha được ít phút thì Cha phải đi và để lại cho chúng tôi thông tin liên lạc của chị K’Toản – người phụ nữ dân tộc có tay nghề cao trong làng nghề dệt thổ cẩm. Nhưng vì sự “làm trái lịch trình” của Ethnicity nên chị K’Toản không sắp xếp được công việc cá nhân để ra tiếp chúng tôi. Và đây cũng là dấu chấm cho cuộc ghé thăm tại làng nghề dệt K’Long trong chuyến đi này của Ethnicity.


Thế là chúng tôi lại lên đường theo lịch trình đã định sẵn tìm để đến một vùng đất mộc mạc nhất của dân tộc K’Ho. Tại đó, chúng tôi có những cuộc trò chuyện rất khó khăn bởi rào cản ngôn ngữ giữa dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số. Hãy lắng nghe phần tiếp theo của chuyến đi vào tuần sau nhé!


-------


Ethnicity là một dự án bảo tồn di sản văn hóa - họa tiết hoa văn thổ cẩm của các Dân tộc Thiểu Số Việt Nam. Bằng hình thức mỹ thuật số hóa các họa tiết, Ethnicity tạo ra Thư Viện Số đầu tiên tại Việt Nam để bảo tồn - quáng bá - phát triển các họa tiết hoa văn thổ cẩm cũng như 53 Dân tộc anh em của chúng ta. Với mong muốn thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa các dân tộc, chúng tôi hướng đến quảng bá những hoa văn này trên các phương tiện truyền thông, triển lãm tương tác và phát triển các ứng dụng của hoa văn trong ngành công nghiệp sáng tạo hiện đại. 

Thông tin dự án: 
Website: https://www.joscreative.com/ethnicity 
Facebook: https://www.facebook.com/Ethnicity.Viet 
Instagram: https://www.instagram.com/ethnicity.vietnam/

7 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page