Phần 2 – Duyên Lành Nên Có Những Câu Chuyện Dễ Thương
Tiếp nối phần 1, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình từ Đức Trọng đến Đưng K’Nớ (thuộc Lạc Dương, Lâm Đồng). Để tiếp sức cho tuổi trẻ, cho Ethnicity, ông trời đã ban tặng một cung đường tuyệt đẹp với những hàng cây hai bên, trời xanh mây trắng, nắng dịu – thật trong lành! Nhờ vậy mà chúng tôi tin ở phía trước có một điều gì đó tốt đẹp đang đợi mình.
Hình ảnh chụp trên đường đi của Ethnicity
Từ Đà Lạt, chúng tôi đi hướng đến các địa điểm Thung Lũng Vàng, Làng Cù Lần, Cây Thông Cô Đơn rồi qua 76km trên trục đường ĐT722, cuối cùng cũng đến xã Đưng K’Nơ – chúng tôi tự mệnh danh cho vùng đất này là vùng đất mộc mạc nhất của dân tộc K’Ho, vì:
#1 Phần lớn, những cư dân ở đây vẫn mặc hoặc khoác những trang phục truyền thống của dân tộc – quần áo, khăn choàng thổ cẩm
#2 Rào cản về ngôn ngữ: đến với Đưng K’Nớ, Ethnicity rất mong được gặp những người phụ nữ còn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm, và hầu như họ không rành tiếng Kinh. Chỉ có thế hệ trẻ mới có cơ hội đến trường lớp học tập theo tiếng Kinh. Vậy nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để họ hiểu và Ethnicity hiểu họ. Nhưng không có gì mà không thể.
Theo chân Cha Trung
Ethnicity chọn Đưng K’Nớ vì đây là xã vùng sâu vùng xa, không có nhiều thông tin trên internet. Điều duy nhất chúng tôi biết được là nơi đây đông dân K’Ho và họ vẫn giữ cách sinh hoạt, sản xuất truyền thống. Thế là chúng tôi đi. Ethnicity chọn Nhà thờ Giáo xứ Đưng K’Nớ là điểm dừng đầu tiên trong xã vì mong muốn gặp được Cha Chánh xứ - người có uy tín trong các bản làng, có kinh nghiệm, kiến thức và đặc biệt là chúng tôi chắc chắn Cha biết tiếng Kinh.
Hình ảnh chụp tại Giáo xứ Đưng K'Nớ của Ethnicity
Chánh xứ của Nhà thờ là Cha Trung, nhưng không may Cha lại đang ở Giáo họ mà Giáo họ ở đâu thì chúng tôi không biết, dù đã hỏi thăm một số người xung quanh Nhà thờ… Thế là chúng tôi đi… đi tìm Cha theo sự chỉ dẫn nhiều nhất có thể của 1 anh: “ở đằng đó đó”. Đằng đó lại tẻ ra hai đường lên và xuống – lên thì gặp ngõ cụt, xuống thì đi sâu vào, sâu thẳm… đến nhà cuối cùng và kết quả vẫn không tìm được.
Ethnicity lại quay ra và tìm đường mới. Trên con đường đi ra, chúng tôi bắt gặp khoảnh khắc các bà ngồi nói chuyện trước cửa tiệm tạp hóa, định bụng quay lại để quay một vài thước phim tư liệu nhưng chúng tôi quyết định trò chuyện với suy nghĩ được nhiêu hay bấy nhiều! Mà được nhiều đó nha.
Vì Duyên Lành Nên Có Những Câu Chuyện Dễ Thương
Các bà thấy chúng tôi, kéo thêm các ông, các cháu ra niềm nở đón tiếp chúng tôi. Có rào cản ngôn ngữ nhưng vì sự cố gắng hai bên cộng với động từ “to-quơ” mà cuộc nói chuyện diễn ra tràn đầy tiếng cười.
Quang cảnh tụ điểm lúc đó - hình chụp bởi Ethnicity
Việt Nam có 3 miền chính Bắc – Trung – Nam, mà người Bắc là người Bắc, chứ ai kêu họ là người Nam thì sao mà họ chịu. Dân tộc K’Ho cũng vậy, nội bộ bên trong chia thành rất nhiều dân tộc nhỏ khác nhau là: Cil, K’ho Srê, K’ho Lạch… và ở Đưng K’Nớ là người Cil (hay còn gọi là Chin). Nghe lạ lắm đúng không mọi người? Ethnicity có nguồn thông tin này trước khi đi, chỉ là chúng tôi không nghĩ lại chia rạch ròi như thế, vì người Cil muốn được công nhận là người Cil chứ không được gọi là người K’Ho, nhưng họ vẫn tôn trọng nguồn gốc lớn của mình.
Ethnicity trao đổi các ý nghĩa họa tiết thổ cẩm với người dệt nên nó
Các bà, các cô, các chú kể với Ethnicity rất nhiều câu chuyện của dân tộc mình, trong đó có chuyện về nghề dệt thổ cẩm. “Nghề dệt phải giữ chứ, nhưng chỉ có mấy bà trung niên mới làm. Nghĩa là tụi nhỏ bây giờ đi học rồi mốt già mới dệt” – chú Nhang chia sẻ. Với chú nghề dệt thổ cẩm, họa tiết thổ cẩm là điều ý nghĩa, bản sắc của mỗi dân tộc, bản thân chú còn sống thì vẫn phải giữ lấy cái nghề này! Ethnicity hỏi dệt trong xã này rồi bán cho ai, chú trả lời ngon ơ “bán cho nhau”. Chúng tôi có thể hiểu được phần nào về câu trả lời này của chú, vì dệt thổ cẩm thủ công bây giờ sao mà cạnh tranh với mặt bằng thương mại của ngành dệt công nghiệp, nên chỉ có bán cho nhau để tựa vào mà giữ gìn cái nghề truyền thống của dân tộc mình.
Thổ cẩm chính là báu vật của người Dân tộc thiểu số
Còn tiếp phần 3.
-------
Ethnicity là một dự án bảo tồn di sản văn hóa - họa tiết hoa văn thổ cẩm của các Dân tộc Thiểu Số Việt Nam. Bằng hình thức mỹ thuật số hóa các họa tiết, Ethnicity tạo ra Thư Viện Số đầu tiên tại Việt Nam để bảo tồn - quáng bá - phát triển các họa tiết hoa văn thổ cẩm cũng như 53 Dân tộc anh em của chúng ta. Với mong muốn thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa các dân tộc, chúng tôi hướng đến quảng bá những hoa văn này trên các phương tiện truyền thông, triển lãm tương tác và phát triển các ứng dụng của hoa văn trong ngành công nghiệp sáng tạo hiện đại.
Thông tin dự án:
Website: https://www.joscreative.com/ethnicity
Facebook: https://www.facebook.com/Ethnicity.Viet
Instagram: https://www.instagram.com/ethnicity.vietnam/
Comments