Thổ cẩm là loại vải mang hơi thở nồng cháy của văn hóa truyền thống, là di sản quý báu làm nên bản sắc của đất nước, con người Việt Nam. Thổ cẩm cần được bảo tồn và phát huy để tránh đi sự mai mồn dần dưới tác động của hiện đại hóa.
Định nghĩa về thổ cẩm
Vải thổ cẩm, hay còn được gọi tắt là thổ cẩm, là loại hàng vải dệt thủ công giàu họa tiết, đầy màu sắc, nổi lên mặt vải giống như được thêu nhưng thực chất là được làm ra ngay trong quá trình dệt vải. Ở Việt Nam, vải thổ cẩm khá đặc trưng và phổ biến ở các vùng núi phía Bắc và các vùng Tây Nguyên, Ninh Thuận. Nguồn nguyên liệu chủ yếu để dệt vải thổ cẩm đến từ cây lanh, gai hoặc bông. Màu nhuộm vải được lấy từ cây rừng thiên nhiên và các loại củ quả như: củ nghệ, củ nâu, lá cây tràm, cánh kiến và cả đá non có màu đỏ, vàng, than củi,... tất cả đều được giã nhỏ hoặc mài thành bột ngâm để nhúng nhuộm sợi. Các hoa văn được dệt trên vải thổ cẩm là phương thức mà người dệt ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng thiên nhiên, hay nét đẹp muôn màu muôn sắc của chim muông, thú vật trong từng ô vuông, hình tam giác, hình thoi,… nhỏ cân đối, hài hòa trên vải. Màu sắc của các họa tiết rất đa dạng, rực rỡ có, huyền bí có, góp phần thể hiện lối sống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của từng dân tộc.
Hình ảnh trong chuyến đi thực tế của Ethnicity năm 2018
Thổ cẩm mang hơi thở nồng cháy của văn hóa truyền thống Việt Nam
Để tạo ra những sản phẩm hay trang phục độc đáo từ thổ cẩm, người phụ nữ dân tộc thiểu số phải tiến hành nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay. Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang nét văn hóa độc đáo rất riêng của từng dân tộc. Có thể khẳng định, thổ cẩm đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên sắc thái riêng trong trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em, là di sản quý báu làm nên bản sắc của đất nước, con người Việt Nam.
Hình ảnh trong chuyến đi thực tế của Ethnicity năm 2018
Thổ cẩm – sợi buồn và niềm hy vọng
Đáng buồn thay, ngày nay, sự xuất hiện nhiều mặt hàng thời trang, mỹ nghệ với mẫu mã phong phú và giá thành rẻ đã làm gia tăng nguy cơ mai một của nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hình ảnh người phụ nữ ngồi trước khung dệt đơn sơ cặm cụi, cần mẩn dệt nên từng mảnh vải trở nên hiếm hoi hơn ở các buôn làng ngày nay.
Những năm qua, chính quyền nhà nước chủ trương khuyến khích người dân tiếp tục giữ gìn, phát huy nghề thêu dệt thổ cẩm bằng nhiều hình thức như: động viên các hộ gia đình tham gia làng nghề dệt thổ cẩm phục vụ khách du lịch để góp phần phát triển kinh tế gia đình, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thông tin chính thống và mạng xã hội…
Bằng việc góp phần bảo tồn, quảng bá hoa văn thổ cẩm, Ethnicity mong chờ vào một tương lai không xa, thổ cẩm sẽ xuất hiện khắp mọi nơi, không chỉ ở những vùng nông thôn núi đồi mà còn ở các đô thị lớn, mạnh mẽ bật tung sắc màu rực rỡ trong đời sống hằng ngày của người dân Việt Nam và vươn xa ra thế giới.
👉 Tải hoa văn thổ cẩm dưới dạng số tại đây
Tìm hiểu nhiều hơn về vải thổ cẩm: báo Thanh Niên, báo Doanh nghiệp Việt Nam, báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)
Ethnicity là một dự án bảo tồn di sản văn hóa - họa tiết hoa văn thổ cẩm của các Dân tộc Thiểu Số Việt Nam. Bằng hình thức mỹ thuật số hóa các họa tiết, Ethnicity tạo ra Thư Viện Số đầu tiên tại Việt Nam để bảo tồn - quáng bá - phát triển các họa tiết hoa văn thổ cẩm cũng như 53 Dân tộc anh em của chúng ta. Với mong muốn thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa các dân tộc, chúng tôi hướng đến quảng bá những hoa văn này trên các phương tiện truyền thông, triển lãm tương tác và phát triển các ứng dụng của hoa văn trong ngành công nghiệp sáng tạo hiện đại.
Thông tin dự án:
Website: https://www.joscreative.com/ethnicity
Facebook: https://www.facebook.com/Ethnicity.Viet
Instagram: https://www.instagram.com/ethnicity.vietnam/
Comments